Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Bắt đầu một ngày làm việc mới với bài báo điện tử đầu tiên đọc được có tựa đề nửa tỷ đồng để có được một vị trí làm việc tại Ngân hàng, nơi không chỉ sinh viên tài chính-ngân hàng mong ước mà cả những người mới nghe qua về ngân hàng cũng sướng lên.

Những sinh viên năm cuối  ngành tài chính ngân hàng như chúng tôi đang bắt đầu loay hoay chuẩn bị thủ tục để có được nơi thực tập, một cuộc trải nghiệm mới. Và trong cảm nhận của tôi, mọi người đều đang chung cảm giác đó là sự lo âu, chút sợ hãi, hồi hộp, mất phương hướng. Sinh viên chuyên ngành chứng khoán buộc đặt mình vào những công ty chứng khoán, tất nhiên, và có thể tại ngân hàng, công ty quản lý quỹ hay những tổ chức tài chính tương đương. Tới đó sẽ được làm việc hay ít nhất chứng kiến mọi nghiệp vụ mà mình đã được học từ những bài giảng lý thuyết hay trong các cuốn sách cũ nát. Hầu hết mọi thứ đều rất lờ mờ, khó hình dung và chỉ khi nào được tận mắt chúng kiến thì họ mới biết thực tế và lý thuyết có khoảng cách thế nào. Sau đó, chúng tôi sẽ phải viết một bài thu hoạch về quá trình đi thực tập, chủ đề tự chọn miễn là về chuyên ngành của mình. Những ai may mắn hay có mối quan hệ, sau khi thực tập xong sẽ được nhận lại làm việc luôn. Tuy nhiên những người như thế lại rất ít ỏi trong bối cảnh thời nay.

Chúng tôi may mắn được nhà trường lo cho nơi thực tập, có lẽ họ có mối quan hệ tốt với các cty chứng khoán và số lượng sinh viên chứng khoán lại không nhiều. Tuy nhiên, một số người đã chủ động gõ cửa trực tiếp các công ty thay vì ngồi đợi và cũng có chút may mắn. Còn lại, như tôi chẳng hạn, ngồi đợi các chỉ tiêu bay đến và chắc chắn những nơi đó chẳng có mấy sáng sủa hay ít được đánh giá cao.

Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính châm ngòi từ cuối 2007 và đến nay, 2012 nó mới thực sự đi vào tâm bão, tàn phá mọi thứ mà nó liên quan một cách thương tiếc. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi sống trong lòng khủng hoảng theo một cách có ý thức, nhưng không may lại đúng khi tôi bước ra ngưỡng cửa cuộc đời thực sự. Chúng tôi cũng có thể được coi là những nạn nhân đau khổ nhất vì bản chất đây là một cuộc khủng hoảng tài chính. Ở VN, cuộc tái cấu trúc đang bắt đầu đi vào giai đoạn mạnh mẽ hơn cũng có nghĩa những gì cần dọn dẹp, loại bỏ cũng xảy đến nhanh hơn và tàn nhẫn hơn, mọi gánh chịu đang rất gay gắt. Riêng lĩnh vực tài chính, các ngân hàng thì đang cố gắng giải quyết nợ xấu, gia tăng chất lượng để cạnh tranh, sân chơi đang ngày càng thu hẹp theo hướng tích cực thay vì cố gắng tăng trưởng còn các cty chứng khoán thì liên tục được nghe đến những chuyện như: cắt nghiệp vụ, cắt giảm nhân viên, xóa sổ cty, chuyển đổi cty, bị theo dõi đặc biệt, lỗ lã chồng chất...Thế nên chẳng có gì là sáng sủa cả.

Nếu như cách đây vài năm về trước, chỉ nghe đến chứng khoán thôi cũng đủ để hãnh diện về một tương lai thì giờ đây mọi thứ đã đảo ngược. Cứ ra trường là có việc làm ngay không cần phải khó khăn tìm kiếm, còn thực tập thì quá đỗi đơn giản. Lúc đó những người như chúng tôi được tung hô lên mây, thuộc lớp người tiến bộ có sự nghiệp khai sáng thì nay bỗng chốc trở thành chủ đề bàn tán về nỗi thất vọng, sự mệt mỏi. Chúng tôi đang phải trả giá cho những sai lầm, những hậu quả ? Tất nhiên, nhưng ai đã gây ra những sai lầm đó ? Chắc chắn câu trả lời sẽ thuộc về những ai đang có trách nhiệm với nền kinh tế này !

Trên thị trường, các giao dịch đều tỏ ra èo uột và mệt mỏi. Khi niềm tin đã mất đi nhiều thì việc lấy lại nó sẽ rất khó khăn và lâu dài. Mỗi ngày, tính cả hai sàn giao dịch cộng lại thì giá trị cũng chỉ xoay quanh mức ngàn tỷ, chẳng đáng là bao so với trước đây. Tương lai không xa, sẽ không còn có chuyện cả 100 cty chứng khoán phục vụ cho cái thị trường bé tẻo teo chỉ khoảng 35 tỷ USD chiếm chưa tới 30% GDP cả nước nữa. Sự sàng lọc là chắc chắn, theo hướng ít đi, chất lượng hơn và chỉ những ai có khả năng tồn tại thì may ra còn tiếp tục, nếu không cánh cửa đi ra quá rõ ràng cho bất kỳ ai.

Giờ đây, các ngân hàng đang gia tăng chất lượng nhằm hoàn thiện mình nên họ chỉ xem xét những ai có bảng điểm khá khá trở lên đã trước khi nghĩ tới chuyện khác. Riêng việc thực tập thôi, điểm số cũng được họ xếp vào trong những tiêu chí hàng đầu. Mặc dù điểm số nói nên không nhiều về khả năng của một người, nhưng dù sao có lẽ phần nhiều những ai có khả năng lại nằm trong số đó.Thế nên việc cạnh tranh vị trí tại các ngân hàng hầu hết là sân chơi độc quyền của những sinh viên được đào tạo bài bản về nghiệp vụ ngân hàng.

Mọi thứ đang thực sự trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây và so với những gì mà các quan chức hay biện hộ cho chính sách của mình trên báo đài, truyền thông. Từ Nam ra Bắc, tôi bắt gặp mọi thứ và đều có cảm nhận chung đó là sự ảm đạm rõ rệt. Mức thu nhập không theo kịp mức độ tăng giá, và khốn nạn thay, càng những gì được gọi là thiết yếu thì càng tăng nhanh. Ở nông thôn, từ thanh niên cho tới người già thất nghiệp nhan nhản và phải làm bạn với đồng ruộng còn thành thị họ lại cố bám trụ thay vì tự tin như trước kia.

Anh bạn tôi, một cử nhân chuyên ngành công nghệ mới tốt nghiệp cách đây ít tháng từ một trường đại học nổi tiếng tại Hà Nội đang phải chạy xe ôm hàng tối để có thêm thu nhập hàng ngày ngoài công việc chính rất phù phờ ra. Chi phí cuộc sống tại HN khá đắt đỏ, nơi mà cuộc sống rất chen chúc và khó thở. Cho nên sự đào thải diễn ra hàng ngày, thủ đoạn và toan tính có ở khắp nơi mọi ngõ ngách khiến cho đạo đức đối xử, đạo đức nghề nghiệp đang ngày càng bị bỏ rơi.

Đứng trước bối cảnh như hiện nay, trước mắt đều quá tù mù và thiếu phương hướng. Tôi tự hỏi, với tấm bằng như của mình liệu có đảm bảo được gì cho tương lai hay không ? Tôi thực sự không biết rằng, rồi chỉ nửa năm nữa thôi, ngày tốt nghiệp sẽ đến thì công việc, cuộc sống sẽ như thế nào ? Ở trường, chúng tôi được hỏi những gì mà các nhà làm giáo dục cho rằng cần phải học trong khi ra trường chúng tôi lại phải tiếp xúc với những thực tế khác biệt. Tôi không tin với tấm bằng của mình, một tương lai đang vẫy gọi mà tin vào cái được gọi là khả năng thực thụ hơn cùng với các mối quan hệ, sự may mắn.

Chứng khoán ư? Chắc chắn rồi nó sẽ lại phát triển thôi, vấn đề là bạn có đủ niềm tin và sự nhẫn nại với nó hay không ? Như một câu nói đã đi vào nổi tiếng: “Trong dài hạn, tin tức từ thị trường chứng khoán sẽ là tin tốt. Trong thế kỷ 20, nước Mỹ đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới cùng những cuộc xung đột quân sự tốn kém; Đại suy thoái, hàng chục cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính; những cú sốc dầu lửa; dịch cúm; và vụ từ chức của một vị tổng thống. Nhưng chỉ số Dow vẫn tăng từ 66 điểm lên 11.497 điểm” Vậy thì chúng ta còn nghi ngờ gì nữa ???

Nhưng điều làm tôi tin chắc nhất đó là hãy luôn luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt và tự tin với nó. Nhất định sau cơn mưa trời sẽ sáng lại...Và như một câu nói trong một bộ phim về Abraham Lincoln rằng: "Time waits for no man"


Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Thế hệ của tôi – một thế hệ vứt đi


Tôi cũng như bạn vậy. Tôi không hiểu các bạn nghĩ gì trong đầu.

Các bạn không thấy một ngày của các bạn trôi qua buồn tẻ sao. Các bạn trao nhau những câu từ nhạt thếch. Các bạn tung ảnh tự sướng. Các bạn vào mạng xã hội chửi một thằng hiếp dâm. Một thằng đâm cha, chém mẹ, và châu đầu vào cái quần lót của 1 người mẫu để mà bình phẩm v.v. Các bạn tung tăng khắp nơi, trợn mắt dòm dòm từ cái chuồng xí trở đi, miệng trầm trồ xuýt xoa: “Ồ, lạ quá, đẹp quá”. Các bạn về ưỡn bụng, vắt chân chữ ngũ mà thầm nhủ ta là người hạnh phúc nhất đời.

Các bạn có bao giờ mơ thấy những gì lớn lao hơn chuyện ngày mai sẽ sống thế nào chăng? Tôi chắc là không. Cái xã hội này đã dạy cho các bạn cách sống mà chẳng cần phải tư duy gì cả rồi. Các bạn chẳng cần tri thức, chẳng cần sự thật. Các bạn thậm chí cũng chẳng cần bộ não nữa. Cứ cột các bạn lại, như cột những con cừu ấy, rồi ném cho mỗi người một bó cỏ. Thế là xong.

Các bạn có dám dấn thân vào cuộc sống này không, có dám thay đổi cuộc sống này không? Các bạn có thấy buồn không khi hòa bình đã bốn chục năm mà đất nước vẫn chưa có nổi một ngày sung sướng? Các bạn có thấy nhục nhã không khi từng tốp sinh viên Việt Nam vừa dí bưu ảnh vào mặt người nước ngoài vừa giải thích bằng thứ tiếng Anh lắp ba lắp bắp: “Đây Việt Nam, đây Hồ Hoàn Kiếm, đây Hoàng Thành”? Người ta quan tâm đến cái xứ này cũng chẳng nhiều hơn họ quan tâm đến sao Hỏa. Mà có khi còn chẳng bằng đâu các bạn ạ.

Các bạn có đau không khi mảnh đất quê hương mình bị người ta xâu xé, khi đập thủy điện bị vỡ, khi đồng bào các bạn lang thang không cửa không nhà? Các bạn có buồn không khi tổ quốc nghẹn ngào nhìn “người lạ” lấn dần từng phân đất, từng mảnh rừng đầu nguồn và chở đi từng tấn tài nguyên. Các bạn có muốn khóc không khi một ông già cúi gập người bôi xi lên giày của một ông Tây, và rưng rưng cảm kích với mấy đồng tiền lẻ nát?

Tất cả nỗi đau hằn xuống mảnh đất này có đáng làm cho các bạn quan tâm hơn một cái túi xách Gucci, một hốt–gờ hở trên hở dưới hay chẳng may toạc váy hở nội y, hay một cô ca sĩ hay người mẫu mới nổi với những phát biểu “đầy chất xám”, một trận đấu bóng hay một cuốn tiểu thuyết ba xu không? Muốn hiểu được nỗi đau các bạn chẳng cần tìm chúng trong một cuốn tiểu thuyết ba xu làm gì. Cách các bạn không xa, người ta đang khóc, người ta đang phải gồng mình lên mà chống chịu và nuốt nước mắt vào trong lòng. Một con đê đang vỡ. Một con tàu sắp chìm. Rất nhiều tập đoàn kinh tế vỡ nợ mà chính các bạn phải gánh lấy phần trả nợ. Một khúc sông sắp mất. Người dân ngậm đắng nhìn từng tấc đất có máu thịt tổ tiên bị mất.

Còn các bạn thì sao? Các bạn ở trong nhà, trùm chăn kín đầu, đánh đánh gõ gõ trao cho nhau những lời nhạt phèo và foward những tin nhắn vô vị. Tôi không nói như thế tức các bạn phải ôm súng xông ra chiến trường hay phải đao to búa lớn hay phải là cái gì cho lớn lao. Mà rằng các bạn chẳng thiết làm gì cả, chẳng thiết tìm hiểu, chẳng thiết suy ngẫm, chẳng thiết tìm tòi.

Tất nhiên khi đọc đến đây, các bạn sẽ tấn công lại cá nhân tôi bằng những câu hỏi đại loại như sau: “Thế mày đã làm được cái quái gì ra hồn chưa mà lớn tiếng la lối và chỉ trích”. Tất nhiên tôi sẽ thẳng thắng trung thực trả lời, tôi cũng không khác mấy các bạn là bao, bởi thế hệ chúng ta – Một thế hệ vứt đi! Tôi cũng sẽ thành thật trả lời rằng:

– Tôi vẫn không biết phải làm thế nào để ngư dân VN không bị tàu lạ đánh, có nói gì, làm gì cũng không làm các ngư dân có cái ăn và những người đã chết sống lại.
– Tôi chả làm gì được để khiến những tệ nạn chấm dứt.
– Tôi chả làm gì được để khiến các ông lãnh đạo hết tham nhũng và dân bớt khổ.
– Tôi cũng chả làm gì được để làm cho điện hết cúp và giao thông hết tắc, và xăng thôi không tăng giá.
– Tôi chả làm gì được hay có giải pháp gì làm cho cô gái trẻ ở các tỉnh nghèo ngưng đi lấy chồng ĐL, HQ.
– Tôi không biết làm gì hay có kế sách gì để khiến các người dân nghèo thôi bán nhà sang xuất khẩu lao động ở Malaysia hay Đông Âu.
– Tôi chả biết làm gì để ngăn các cô gái trẻ không lơ ngơ bị lừa sang làm điếm ở Campuchia.
– Tôi vẫn không biết làm thế nào để các tập đoàn kinh tế bớt làm ăn thất thoát, kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan
– Tôi chả biết làm gì, và làm thế nào để bla bla bla,…

Tôi biết chúng ta sẽ chẳng làm dược gì hơn, nhưng bạn ạ, chúng ta, khi chưa có 1 hành động thực sự cụ thể và 1 giải pháp rõ ràng, ít nhất có thể lên tiếng để làm thức tỉnh và tác động. 1 hành động nhỏ nhoi là quan tâm và lên tiếng vẫn còn hơn ngồi yên đó thụ động chết chìm trong ảo tưởng và tự thõa mãn tự phong.

Và tôi đã sống, và tôi đã hiểu tại sao cái xã hội này vô cảm đến vậy, vô tâm đến vậy rồi. Vì nơi đó còn một lớp người không biết tư duy, không ý chí tiến thủ, không tri thức, không nghị lực, không ước muốn, không lý tưởng, không cả niềm tin? Họ giới hạn hạnh phúc của mình trong hai mươi mét vuông nhà, bàn chuyện thiên hạ và tính xem ngày mai nên đi xem phim hay lượn phố. Họ không đòi hỏi một điều gì hết, họ không ý thức được vị trí của mình, chẳng cần rung động, chẳng cần xót xa. Họ chẳng có động lực để làm bất cứ điều gì trừ khi người khác lấy roi quất vào mông họ.


http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/the-he-cua-toi-mot-the-he-vut-di.html