Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Suối Nguồn

"Hàng ngàn năm trước đây, có một người tìm ra cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà...Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy cho những anh em của mình cách làm.  Anh ta bị coi là phạm tọi vì đã vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi con người có thể đi tới tận chân trời. Anh ta đã để lại một món quà.."

"Những người đó- những người không chịu phục tùng và luôn đi đầu- đứng ở chương mở đầu của tất cả các truyền thuyết mà loài người ghi lại về thuở sơ khai. Promete đã bị xích vào một tảng đá và bị những con kền kền xé xác- bởi vì anh đã ăn cắp ngọn lửa của những vị chúa trời. Adam bị buộc phải chịu đau khổ- bởi vì anh ta đã ăn quả trái cấm trên cậy thiện- ác. Dù truyền thuyết gì đi nữa, ở sâu trong trí nhớ, loài người biết rằng vinh quang của chúng ta đã bắt đầu từ một cá nhân và cá nhân đó đã phải trả giá cho lòng dũng cảm của mình.

"Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau nhưng đều có một số điểm chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng của họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại, những nhà tư tưởng mới, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế- đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiêng được coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ.Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Những những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.

"Một người sáng tạo không bao giờ bị thôi thúc bởi khát vọng phục vụ đồng loại của anh ta, bởi vì đồng loại luôn chối bỏ những gì anh ta đem tặng họ; đồng thời món quà đó phá hủy cuộc sống của anh ta. Anh ta sáng tạo vì động cơ duy nhất: chân lý. Chân lý của riêng anh, và lao động của riêng anh để đạt tới chân lý theo cách riêng của anh. Mục đích của anh ta nằm ở một bản giao hưởng, một cuốn sách, một cỗ máy, một cái máy bay hay một tòa nhà. Nó không nằm ở người nghe nhạc,  người đọc sách, người vận hành máy, người đi máy bay hay người sống trong ngôi nhà mà anh ta tạo ra.

" Tầm nhìn, sức mạnh,  và lòng dũng cảm của anh ta đến từ linh hồn của chính anh ta. Tuy nhiên, lĩnh hồn của một người chính là cái tôi của anh ta. Cái tôi là thực thể làm công việc nhận thức. Cái tôi có chức năng tư duy, nhận thức, cảm giác, đánh giá và hành động.

"Những người sáng tạo luôn là những người có cái tôi. Cái tôi chính là bí mật về toàn bộ sức mạnh của họ- cái tôi ấy tự đầy đủ trong bản thân nó, tự vận động trong bản thân và tự tái tạo bản thân nó. ANH TA SỐNG VÌ CHÍNH BẢN THÂN  MÌNH. Và chỉ có cách sống vì bản thân mình, anh ta mới có thể đạt được những thành tựu vinh quang của loài người. ĐÓ CHÍNH LÀ BẢN CHẤT CỦA SỰ THÀNH CÔNG...

"Loài người chỉ có thể tồn tại nhờ trí tuệ của mình. Loài người đến trái đất mà không được trang bị vũ khí nào. Bộ óc là thứ vũ khí duy nhất của họ. Nhưng bộ óc lại thuộc về cá nhân. Không có cái gọi là bộ óc tập thể, ý nghĩ tập thể. Một thỏa thuận do một nhóm người đạt được thực ra chỉ là một thỏa hiệp hoặc một giá trị trung bình rút ra từ ý nghĩ cá nhân. Hành động chủ yếu- tức là quá trình tư duy- phải do mỗi cá nhân thực hiện độc lập.

"Loài người không được cho sẵn bất cứ cái gì trên trái đất này. Tất cả những gì anh ta cần- anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây, loài người đối mặt với lựa chọn cơ bản nhất: anh ta chỉ có thể tồn tại theo một trong hai cách- bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của người khác.

" Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.

"Người sáng tạo sống với lao động của chính mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những thứ khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta.

"Nhu cầu cơ bản của người sáng tạo là sự độc lập. Một bộ óc tư duy không thể hoạt động dưới sự cưỡng bức theo bất cứ hình thức nào. Nó đòi hỏi sự độc lập tuyệt đối trong cả chức năng và động cơ. Đối với người sáng tạo, tất cả mối quan hệ với con người là thứ yếu.

"Nhu cầu của kẻ thứ sinh là củng cố mối quan hệ của anh ta với mọi người để được họ nuôi sống. Anh ta đặt mối quan hệ lên trên hết. Anh ta tuyên bố rằng loài người tồn tại là để phục vụ người khác. Anh ta rao giảng về chủ nghĩa vị nhân sinh."

"Vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải sống vì người khác và đặt những người khác lên trên bản thân mình. 

"Không ai có thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn của anh ta, cũng giống như anh ta không thể chia sẻ thể xác của anh ta. Nhưng những kẻ sống thứ sinh đã sử dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một vũ khí để lợi dụng và đảo ngược lại những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người. LOÀI NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC DẠY DỖ RẰNG PHỤ THUỘC LẪN NHAU CHÍNH LÀ MỘT ĐỨC HẠNH.

"Loài người được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng anh ta không thể cho đi cái gì mà anh ta không thể tạo ra. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh- những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công.

"Loài người được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp người khác bớt đau khổ. Nhưng đau khổ là một căn bệnh. Chỉ khi có người bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc gaimr đau khổ thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ-  để người ta có thể trở thành người đức hạnh. Đó chính là bản chất của chủ nghĩa vị nhân sinh. Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của họ lại giúp lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, giúp giảm nhẹ đau khổ.

"Loài người được dạy dỗ rằng đồng tình với người khác là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn bất đồng. Loài người được dạy dỗ rằng đứng tụ tập là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn đứng một mình.

"Loài người được dạy dỗ rằng cái tôi đồng nghĩa với cái xấu xa, và việc không- có- cái- tôi là đức hạnh lý tưởng. Nhưng người sáng tạo là người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối, còn người không có cái tôi là người không có tư duy, không cảm nhận, không đánh giá và không hành động. Bởi vì tư duy, cảm nhận, đánh giá và hành động là chức năng của cái tôi.

"Sự lựa chọn mà chúng ta phải có không phải là giữa hy sinh bản thân  hay hy sinh người khác. Sự lựa chọn phải là giữa độc lập hay lệ thuộc. Giữa nguyên tắc sống của người sáng tạo và người sống lệ thuộc. Đây chính là vấn đề cơ bản, giữa sự sống và cái chết. Nguyên tắc sống của người sáng tạo được xây dựng dựa trên những nhu cầu của một bộ óc biết tư duy và qua đó giúp con người tồn tại được. Nguyên tắc sống của những người sống của những kẻ thứ sinh được xây dựng dựa trên của một bộ óc không có khả năng tồn tại. TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẮT NGUỒN TỪ CÁI TÔI ĐỘC LẬP CỦA CON NGƯỜI ĐỀU LÀNH MẠNH. TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẮT NGUỒN TỰ SỰ LỆ THUỘC CỦA CON NGƯỜI VÀO NGƯỜI KHÁC ĐỀU LÀ XẤU XA.

"Năng lực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên: mức độ độc lập, chủ động, và tình yêu công việc của một người là yếu tố quyết định tài năng của anh ta với tư cách là một người lao động và quyết định giá trị của anh ta với tư cách là một con người. Sự độc lập là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá phẩm chất và giá trị của loài người. Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì; chứ không phải anh ta đã làm được hoặc không làm được gì cho người khác. Không có gì có thể thay thế được phẩm giá cá nhân. Và không có gì khác cho phẩm giá cá nhân ngoài tính độc lập.

"Chưa có công trình nào được hoàn thành nhờ tập thể, nhờ quyết định của đa số. Tất cả những thành tựu trong công việc sáng tạo đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một suy nghĩ cá nhân đơn nhất. Một kiến trúc sư cần rất nhiều người để xây nên một tòa nhà. Nhưng anh ta không yêu cầu họ biểu quyết trong bổn phận hợp lý của mình. Một kiến trúc sư cần sử dụng thép kính, bê tông, do những người khác sản xuất ra. Nhưng nguyên liệu vẫn chỉ là thép, kính và bê tông cho đến khi người kiến trúc sư chạm vào chúng. Những gì anh ta làm với chúng là sản phẩm và tài sản của riêng anh. Đây là hình thức hợp tác hợp lý duy nhất giữa người với người.

"QUYỀN ĐẦU TIÊN CỦA CON NGƯỜI TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY LÀ QUYỀN CÓ CÁI TÔI. BỔN PHẬN ĐẦU TIÊN LÀ BỔN PHẬN VỚI CHÍNH MÌNH. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh ta. Bổn phận đạo đức của anh ta là phải làm những gì anh ta khao khát, miễn là khao khát đó không do người khác quyết định. Bổn phận đạo đức này phải chi phối sự sáng tạo, tư duy và lao động của anh ta.

"Từ lúc bắt đầu của lịch sử loài người, hai đối thủ đã luôn đứng đối nhau: người sáng tạo và người sống thứ sinh. Người sáng tạo- mặc dù bị chối bỏ, thù địch, ngược đãi và bóc lột- vẫn đi tiếp về phía trước và kéo cả loài người đi theo bằng sức của mình.Những kẻ sống thứ sinh không tạo ra cái gì trong quá trình này ngoài việc gây ra những trở ngại. Trận đấu bây giờ được khoác lên cái áo mới: cá nhân chống lại tập thể.

" 'Lợi ích chung' của tập thể đã được chọn làm quyền và lý do để bào chữa cho tất cả chế độ chuyên chế bạo ngược đã từng có trong lịch sử loài người. Cái tập thể đó có thể là một sắc tộc, một giai cấp, một chế độ chính trị hay một quốc gia. Tất cả những cơn ác mộng trong lịch sử đều được thực hiện với động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh.

"Điều đức hạnh duy nhất mà con người có thể làm cho nhau và cái thỏa thuận duy nhất cho mối quan hệ hợp lý giữa người với người là- hãy buông nhau ra !

"Ngày nay, người ta coi tình yêu của một người với tính toàn vẹn trong công việc và quyền bảo vệ nó là những thứ có giá trị mơ hồ và không cần thiết.

"Tôi tới đây để nói rằng tôi không tồn tại vì người khác.

"Tôi tới đây để nói rằng sự chính trực trong công việc sáng tạo của một người quan trọng hơn bất cứ nỗ lực từ thiện nào. Những người không hiểu được điều này là những kẻ đang hủy diệt thế giới.

"Tôi muốn tới đây để tuyên bố những nguyên tắc của tôi. Tôi không tồn tại theo bất cứ nguyên tắc nào khác"

-Trích bài phát biểu trước tòa của Howard Roark-




Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Khánh Ly nói về Dalat

Tác giả: Ca sĩ Khánh Ly
(Phần giới thiệu của Hồi Ký “Chuyện Kể Sau 40 Năm”)

Đó là năm 1964, tôi và các con đang ở thành phố Dalat. Tôi vừa 18 tuổi, hai con, một gái, một trai. Ba mẹ con sống với nhau hồn nhiên như cây cỏ trong ngôi nhà hai từng rộng lớn vắng người, trên một ngôi đồi mà người ở đó gọi là đồi Miên – tên ông nội hai đứa nhỏ. Nhà không cổng ngõ, không hàng rào, đồi rộng thênh thang, từ hông nhà ngó xuống, là một thung lũng nhỏ xanh rì, nhìn mông ra xa thấp thoáng đâu đó mầu đỏ của ngói bên cạnh những vườn trồng rau quả xanh ngắt, tiệp với màu của lá cỏ. Nổi lên trên màu xanh mượt mà như tấm áo dạ hội bằng nhung, tôi có thể biết được đó là những vườn hoa.
Nguồn: Cô Khánh Ly hồi trẻ sao đẹp thế cô ? TCS yêu cô là đúng rồi, nghe tiếng hát cô cũng có thể hình dung vẻ đẹp cô !!!

Thuở đó, Dalat đẹp lắm. Người ta bảo Dalat đẹp bởi có 4 mùa giống như Hà Nội nên con gái Dalat tuy ít người xuất sắc nhưng ai nấy đều xinh xắn với nước da trắng hồng, mái tóc đen dày óng mượt. Tất cả đều vô tư, hồn nhiên và hiền lành. Các bà bán hàng trong chợ, dù là bán mắm cá, cũng mặc áo dài, bán đậu hủ rong cũng áo dài, bán ngô nướng lúc nửa khuya, bán mì Quảng, xôi gà cũng áo dài, hai má cứ ửng hồng lên bên cạnh bếp lửa.

Dalat có 4 mùa nhưng mùa nào cũng mát vào ban ngày, lạnh về đêm, chính thế, người ta mới thú vị khi cầm cái ngô nướng thoa mỡ hành còn nóng hổi, người ta mới cảm thấy cái nhẹ nhõm khi bước ra từ những phòng tắm nước nóng, xê xế rạp ciné Ngọc Hiệp. Bước qua bên kia đường, người ta có thể ghé vào tiệm cháo vịt, tiết canh vịt, gỏi vịt và ngay bên hông tiệm thịt vịt, cái quán mì Quảng nhỏ xíu, mái che là một vài tấm ván ép ghép với 4 cái ghế. Hai vợ chồng người bán mì Quảng tay thoăn thoắt đơm bún, chan nước hay dọn dẹp cái mặt bàn cũng chỉ là một tấm gỗ dài. Người bán vui cười nhìn khách xuýt xoa ăn trong cái nóng của bún, cái lạnh của con phố về khuya, vắng người.

Điều chắc chắn phải nói là người Dalat hiền. Hiền như nước mưa, nước suối. Hiền như cây trái tốt tươi. Hiền như hoa như gió. Như tiếng chuông reo bốn mùa. Hiền như bãi xe lam dăm ba chiếc im lìm nơi bến đậu. Hiền như những cơn mưa bất ngờ bay nghiêng qua thành phố, không hề làm rối chân khách bộ hành. Những con đường vắng lặng. Những ngôi biệt thự nằm xa nhau, không tường bao bộc, chỉ có hoa và hoa dưới những cây thông rải rác, tưởng như mọc vô tình không người săn sóc. Ấy thế mà trong cái vô tình gần như hoang dã ấy, luôn có những lúc rộ lên tiếng cười rộn ràng ngây thơ. Đời sống đẹp và đáng sống biết bao nhiêu.

Trước đó 2 năm, nói chính xác là vào tháng 11 năm 1962, khi tôi lên Dalat tìm sống, cùng đi trên chuyến xe đò Minh Trung với tôi, là chị Ngân Hà, một ca sĩ đẹp và được biết đến, không hiểu vì sao chị bỏ Sài Gòn ra đi. Lúc đó, người ta chưa nói đến chiến tranh. Sài Gòn đất rộng, người ít. Đời sống dễ dàng, người dân miền Nam chơn chất như ngọn lúa đồng bằng, cá tôm sông lạch, con đường Tự Do, sáng, trưa, chiều, tối chỉ khoảng trên một chục khách bộ hành, xích lô vài chiếc thông thả đạp như thi sĩ thơ thẩn tìm nàng thơ. Taxi cũng thỉnh thoảng ghé qua đỗ người xuống. Hình như Sài Gòn rất bằng lòng với nhịp sống thong thả, nhàn hạ. Thói quen của miền Nam trù phú đụng đâu cũng có cái ăn.

Tôi nhận lời lên hát cho Night Club ở Dalat với giá 2500 đồng một tháng, có cơm hai bữa và ngủ chung với các chị ở vũ trường, nếu không muốn về nhà. Kể ra thì không nhiều nhưng cũng chẳng hẹp gì lúc đó, lương Trung Úy cũng chỉ được như thế thôi. Ông bà nội của hai đứa nhỏ ở đó, tôi có cả nguyên một từng dưới rộng thênh thang. Hình như đây là kiểu nhà sàn lúc khởi thủy cất lên, nhưng rồi sẵn cột, xây thêm thành nhà hai tầng, chưa kể chung quanh đất trống, không trồng trọt gì ngoài mấy cây ổi, mấy giàn xu. Bên nội dường như chẳng ai để ý gì đến mấy mẹ con tôi ngoài chị Lê Quyên. Vài tháng sau, tiền lương được tăng, tôi tìm một người giữ con và ngày ngày nhảy xe lam, xe đò ra chợ Dalat.

Từ ngày di cư vào Nam, dẫu mới có 10 tuổi, tôi phải trông em, giặt quần áo, đi chợ rồi mới đi học. Mấy anh chị em chúng tôi sàn sàn tuổi nhau nhưng lại chẳng bao giờ có thì giờ hay có chuyện gì để chia sẻ với nhau. Nói tóm lại, tuổi thơ của tôi hoàn toàn mờ nhạt, không có gì đáng ghi nhớ trong sinh hoạt gia đình, ngoại trừ ông bố đêm nào cũng say rượu và bà mẹ hết ca cẩm chồng đến mắng chửi con. Dalat chính là khoảng trời tôi mơ ước, tưởng chừng như cuộc sống ngừng lại ở đó… Nhưng không. Cuộc đời tôi bắt đầu. Từ đó, ở đó.

Vũ trường Night Club dọn ra hôtel Du Parc, cạnh Nhà Thờ Chánh Toà, Bưu điện và đài phát thanh Dalat. Bà chủ vũ trường là một người Việt Hoa, có một đứa con lai không biết lai gì, khoảng 6, 7 tuổi. Bà mướn một căn phòng ngay bên kia đường cho các chị vũ nữ ở, có người nấu cơm. Tôi thường ngủ lại đây vì khuya chẳng có ai đưa tôi về tận Chi Lăng. Trong căn nhà nhỏ này, tuyệt không có bóng dáng một người đàn ông, thế nên tôi thích ngủ lại để sáng hôm sau đi chợ rồi mới về nhà, mang đồ ăn, bánh kẹo và chơi với con rồi chiều tối, lại đi xe lam đến Vũ Trường. Căn phố đó nằm cạnh quán café Myosotis, không biết bây giờ có còn không.

Night Club là Vũ Trường duy nhất ở Dalat. Với khí hậu lành lạnh về đêm là nơi giải trí lý tưởng của thành phố du lịch, vậy mà khách khứa cũng không có bao nhiêu. Lính Mỹ, cấp cố vấn, mới được vào thị xã chơi chứ những cậu học trò vừa mới hết Trung Học, rời gia đình đến một đất nước xa lạ, nên có vẻ sợ sệt. Người của thành phố, muốn đi, sợ gặp người quen, khó chối tội với vợ, thế nên ban nhạc đêm đêm cứ chơi những bản nhạc trữ tình, chúng tôi vẫn hát, các chị ngồi uống nước tán gẫu hoặc nhảy với nhau. Mỗi đêm vài ba bàn khách. Mọi người bình thản nhìn nhau, chờ ngày cuối tuần. Có những đêm Vũ Trường gần đóng cửa, một băng Không Quân áo bay đen khăn quàng cổ màu tím hoa cà, bất ngờ xuất hiện đứng thành một hàng dài nơi cửa. Nhà hàng không chạy lại đón khách. Chúng tôi không ai ngạc nhiên. Chuyện này xảy ra thường. Tôi lặng lẽ lên sân khấu, ban nhạc hiểu ý chơi bài “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Tôi hát xong, những chiếc khăn quàng màu tím hoa cà lặng lẽ quay ra, đi vào đêm tối, nơi các anh từ đó bước ra. Không bao giờ hỏi nhưng tôi biết một phi vụ vừa hoàn tất.

Những đêm trời lạnh, mưa rất nhẹ, không gì thú vị hơn ngồi hát hay nghe một tình khúc Tiền Chiến. Những người lính Mỹ non trẻ kia đang miệt mài bước nhảy, cố quên đi nỗi buồn xa nhà, nỗi lo sợ súng đạn trên mảnh đất mà họ không bao giờ hiểu được vì sao họ đến đây. Họ lại càng không hiểu ý nghĩa của khúc hát kia. Chỉ biết trong đêm lạnh, khúc hát buồn, tiếng hát còn non trẻ với những ước mơ chưa thành hình và nỗi lòng khắc khoải của kẻ xa nhà quấn quít lấy nhau ấm áp chia sẻ đến không ngờ. Nhiều năm sau, nếu những người lính ấy còn sống mà trở về, chắc chẳng bao giờ họ nghĩ đến cái vũ trường xưa, nơi thành phố có những cơn mưa bất ngờ nghiêng nghiêng bay trên con phố vắng người vào những đêm gió lạnh. Cũng có thể họ đã không bao giờ trở về để mà nhớ.

Tôi không sống với gia đình nhiều. Tôi không có bạn gái. Bạn của anh tôi cũng là bạn của tôi. Chúng tôi gọi nhau bằng …chú và xưng tôi, không có anh em gì cả. Có lẽ thế, tính tôi không hề có chút dịu dàng nào cho đến khi có con và chỉ dành cho con. Có lẽ thế, tôi dễ sống chung với các chị vũ nữ mà tôi thật sự quý mến như một gia đình. Các tay …anh hùng hảo hán ở Sàigòn, Dalat hình như cũng rất quý tôi, đứa em gái lạc loài, lờ khờ trong thế giới muôn mặt về đêm. Chẳng ai hỏi tôi từ đâu đến, con cái nhà ai. Tôi cũng không tò mò về cuộc sống của các chị vũ nữ.

Thời bấy giờ, giới vũ nữ là giới làm rất nhiều tiền và rất nhiều người có học. Họ chỉ trở thành vũ nữ để giúp gia đình trong khoảng thì giờ rỗi rảnh. Công việc của các chị ấy là nhảy với khách hàng, những người đi Vũ Trường một mình, những người mới biết khiêu vũ. Thời 60, khiêu vũ là một nghệ thuật. Mọi người nhẩy lấy đẹp, nhẩy biểu diễn. Khiêu vũ là một nghệ thuật, không hề có ý đen tối, lợi dụng. Khách đến Vũ Trường và vũ nữ đối xử với nhau lịch sự. Có những chị nổi tiếng chỉ vì nhẩy giỏi, nhẩy đẹp. Các chị không đi đêm với khách, tôi biết vì tôi ở cùng các chị một nhà.

Vũ Trường đóng cửa, ai muốn đi ăn đêm thì thường chạy tới tiệm xôi gà trước mặt khách sạn Thủy Tiên, sau lưng tiệm bánh mỳ Xương Ký đầu con dốc Hàm Nghi. Chủ quán là cặp vợ chồng trẻ, con ông bà Bắc Hương cơm tám, giò chả nằm gần café Tùng – ông bà chủ quán xôi này hiện đang ở Porland, Oregon – nhiều đêm, vừa thấy mặt tôi, cô vợ da trắng, má hồng cười như hoa nở, hét toáng lên… Đùi Khánh Ly… Phao câu Khánh Ly… câu rao ngắn gọn làm ai cũng quay lại nhìn tôi cười. Và tôi không hề cảm thấy ngượng ngùng, sà ngay vào hàng cầm chiếc đùi gà, miếng phao câu béo ngậy, đĩa xôi trắng dẽo thơm phức mỡ hành. Ở một thành phố nhỏ như Dalat, ai cũng biết mặt nhau.

Cùng đi ăn với chúng tôi là một số các …anh hùng có tên tuổi. Những cái tên ngộ nghĩnh đôi khi do thành tích mà có. Các bạn ấy còn trẻ, có người trạc tuổi tôi, có người lớn hơn nhưng ai cũng làm mặt nghiêm, lạnh lùng ít nói. Họ làm ra vậy giữa chốn đông người, thật ra, họ dễ thương, sống có tình nghĩa. Họ có bổn phận bảo vệ nhà hàng, các chị vũ nữ, ca nhạc sĩ. Mấy ông say xỉn quậy phá, gây gỗ, họ là người giải quyết, giảng hoà hoặc mời các ông đi về chứ không bao giờ họ gây chuyện rắc rối cho nhà hàng. Giới giang hồ, các chị vũ nữ và ca nhạc sĩ vì thế mà gần nhau, thương nhau và luôn bênh vực cho nhau. Thời đó, dưới mắt tôi, họ là những người hùng. Cách sống của giới này ảnh hưởng đến lối sống và cách suy nghĩ của tôi không ít.

Tôi hát chưa ra gì nhưng lại được nhiều người thương thế nên cuộc sống mấy mẹ con coi bộ cũng đỡ khổ. Tôi mua quần áo đẹp nhất Dalat cho con tôi ở tiệm Au Printemps. Tôi sục vào lầu trên của chợ Hoà Bình, nơi bán quần áo cũ của Mỹ – hàng viện trợ – tìm mua áo da. váy len. giầy bốt. Diện vào, ai dám nói là quần áo cũ. Tôi thường tới quán café nơi Bích Ly, chị cả của ban CBC ngồi giữ két, nói dóc. Bích Ly và tôi hình như bằng tuổi nhau hoặc Ly kém tôi một tuổi gì đó. Hai đứa cùng tên Ly, cùng đen đen như nhau, giọng cũng khào khào giống nhau nên bắt chuyện gớm lắm… Giờ gặp lại trên xứ Mỹ, hai đứa vẫn tưởng như đang ngồi trong quán café ở Dalat.

Thời đó, tôi mới 18 tuổi, còn ham ăn, ham chơi. Chẳng có gì thú vị cho bằng quăng giày dép, chân không, đi, chạy, nhẩy khắp Đồi Cù, xuống Toà Tổng Giám mục, men theo con đường Tình Yêu dẫn lên Toà Tỉnh rồi lại lên Đồi Cù nằm khểnh dưới gốc thông hoặc thẳng tay chân trên bãi cỏ thênh thang nhìn ngắm mây trời. Không nhớ đến ai cũng không cần biết mình là ai, ngày mai sẽ ra sao. Không nhớ ai thật, không cả yêu đương. Không hề nghĩ đến gia đình và Saigon. Tôi thương các con song thường tự hỏi vì sao tôi có chúng trong khi tôi chẳng có một chuẩn bị nào, chưa hề có một khái niệm về gia đình. Những lúc lang thang trên Đồi Cù, cùng các bạn gái đắm chìm dưới suối Liên Khương, tôi ước ao trở lại tuổi 14, 15. Có lẽ, tôi sẽ bắt đầu cuộc đời của tôi một cách khác.

40 năm trước, đó là ý nghĩ của một thiếu phụ tuổi 18, nằm ngủ quên dưới gốc thông già. Buổi trưa nắng vàng chan hoà trên cỏ lá, tiếng thông reo ngân dài, bất tận như một lời ru buồn. Lời ru âm thầm đi vào giấc ngủ và ở lại đó. Lời ru buồn. Rất buồn…

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất theo bình chọn của Forbes

Số ra tháng 9/2013, tạp chí Việt Nam công bố danh sách 50 công ty niếm yết tốt nhất. Tiêu chí đánh giá dựa trên sự tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh trong 3 năm 2010-2012 và triển vọng kinh doanh những năm tới. Ngoài ra, yếu tố đặc thù kinh doanh tại Việt Nam được tính đến mặc dù không biết nó là gì. Có lẽ là chu kỳ kinh doanh, cơ chế thị trường Việt Nam...

Đứng đầu bảng xếp hạng là VNM, cổ phiếu ưa chuộng của hầu hết các nhà đầu tư, loại cổ phiếu mà đâu đâu trong các cuộc nói chuyện về chứng khoán cũng được nhắc tới như một niềm ham thích. Tất nhiên, đây là một hãng kinh doanh sản phẩm sữa tuyệt vời dưới sự điều hành của bà Mai Kiều Liên, người đã bước sang tuổi 60. Hầu hết những ai được tôi hỏi cũng đều có câu trả lời giống nhau là VNM đối với 2 câu hỏi, cổ phiếu nào là tốt nhất đối với bạn hiện nay và nếu được sở hữu thì bạn chọn cổ phiếu nào ? Có quá nhiều phân tích từ nhiều nguồn khác nhau hay thậm chí những đánh giá thực tế đều cho thấy Vinamilk là một thương hiệu lớn, nhưng ở góc độ là một nhà đầu tư cá nhân nhỏ như tôi, VNM chưa bao giờ có trong danh mục. Một lần, cách đây 1 năm hoặc hơn tôi đã từng cân nhắc mua vào khi giá ở mức 85-90k. Nếu tôi đã hành động thì giờ đây tôi đã bỉ túi 55% lãi vốn, một lần chia tách cổ phiếu 50% và 3 lần nhận cổ tức tổng cộng 5,800đ/chứng khoán. Tổng cộng bỏ túi 112% so với số vốn ban đầu, một con số thực sự ấn tượng. Nhưng tôi đã nói không với sự hào hoa của nó vì lý do số vốn nhỏ và thực sự tôi KHÔNG THÍCH.

Đến giờ tôi vẫn không thích nắm giữ VNM. VNM không khác gì một hoa hậu, đẳng cấp và vẻ đẹp luôn được tôn vinh liên tục trong nhiều năm qua. Các nhà đầu tư chính là những người nắm giữ lá phiếu bầu chọn và họ luôn tỏ ra ngưỡng mộ VNM . Trong nhiều năm nữa, VNM vẫn sẽ là hãng thực phẩm tuyệt vời và hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ, tôi hoàn toàn đồng ý rằng cổ phiếu này vẫn có niềm năng tăng giá mạnh trong nhiều năm tới. Nhưng tôi vẫn KHÔNG THÍCH nó vì nó không phải là CỔ PHIẾU SÁNG TẠO.

Bỏ qua sự đúng sai, đơn giản là tôi không thích tư duy đám đông. Theo quan điểm cá nhân, tư duy sáng tạo không thể bắt nguồn từ tập thể trong khi tôi tin rằng, đầu tư cổ phiếu cũng giống như bất kỳ hoạt động nào mà con người từng thực hiện luôn cần đến sự sáng tạo từ khối óc. Nói về điều này, nghe thật bảo thủ nhưng bản thân tôi, vào thời điểm này, thích tìm kiếm những cổ phiếu sáng tạo hơn_những cổ phiếu mà đám đông chưa biết tới hoặc đang không thích nó.

Nói về rủi ro dài hạn khi đầu tư vào VNM, tôi có thể chỉ ra vài điểm sau. Đầu tiên là sự cạnh tranh từ các đối thủ khác, dễ nhận ra nhất là TH milk ở phân khúc sữa tươi. Chính tôi cũng là người ưa chuộc THM hơn VNM mặc dù giá đắt hơn. THM là lính mới trên thị trường sữa nên đây chính là đối thủ tiềm năng rõ nhất và mạnh nhất đối với VNM. Mảng sữa bột bị đe dọa bởi các hãng nước ngoài. Sản phẩm kem đối đầu với Kinh Đô. Sữa đặc và sữa chua VNM tỏ ra ưu thế hoàn toàn. Thứ hai là bà Mai Kiều Liên đã bước sang tuổi 60, cái tuổi mà con người ta không còn nhiều mạnh mẽ và động lực để điều hành một hãng thực phẩm có giá tới 3 tỷ đô nữa. Tôi nghi ngờ rằng, bà ấy liệu có thể cống hiến cho hãng như những gì đã làm trong quá khứ không. Hoặc bà tìm ra ai đó để thế vị trí CEO, thì rủi ro gặp phải cũng chính là năng lực điều hành. Thứ ba, là nhà đầu tư dài hạn, tôi nghĩ cái giá cao gấp 18 lần lợi nhuận là không hấp dẫn, dễ vấp gã trước các cú sốc. Cái giá cao chính là rào cản với tôi. Và một điều nữa, VNM đơn giản là một ngôi sao đã- đang lên- lên rất mạnh mẽ và nhanh.


So với Top 50 của báo Nhịp cầu đầu tư thì có sự khác biệt đôi chút. Báo này đưa ra 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất trong 3 năm quá khứ và không tính đến yếu tố triển vọng tăng trưởng tương lai. Vì thế mà Top của Forbes đáng quan tâm hơn đối với các nhà đầu tư.

Ngày mà tôi đọc được tin Top 50 của Forbes này, trong tôi cảm thấy rất vui và có phần tự hào. Một nửa danh mục của tôi hiện nay đều có tên trong danh sách này. Lần lượt 31, 36, 40 là SVI, TLG và GMC. TLG là chắc chắn nhưng SVI và GMC cũng không khiến tôi bất ngờ. Nếu chọn ra Top 10 đầu tư thì SVI, TLG không nằm ngoài, còn Top 5 thì TLG sẽ có tên. Cả ba cổ phiếu này đều đang được gia dịch ở mức P/E thấp. GMC, SVI, TLG lần lượt được bán ở mức 4, 5.3 và 6.4 so với lợi tức 4 quý gần nhất. TLG vẫn còn khá rẻ, SVI thì rẻ còn GMC thì rất rẻ. Thực tế, tôi vẫn đang mua vào những cổ phiếu này chỉ tiếc rằng số tiền đầu tư rất hạn chế, hạn chế một cách ức chế.

TLG là một cổ phiếu thành công với tôi, là một hãng văn phòng phẩm mà tôi ngưỡng mộ. Xét ở tất các góc độ kinh tế khác nhau, TLG luôn tỏa ra vẻ đẹp của mình nhưng đôi lúc nó lại có vẻ như tiềm ẩn đối với các dân biểu. Na ná giống như một cô gái trẻ đẹp, một thiên thần nhưng xuất thân quê mùa nên không được ưa chuộng bởi các chàng trai hiện đại. Cô gái không biết đến cái thói đời hiện đại như bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng nóng bằng mọi giá. Công việc của nàng mang dấu ấn nhỏ bé, đó là sản xuất bút viết nhưng mấy ai nhận ra nàng đã luôn sáng tạo trong sự phát triển của mình. Nàng được sinh ra bởi một người đàn ông tuyệt vời trong nghèo khó nhưng có ước mơ lớn. Vì thế mà bản thân nàng là cô gái có ước mơ lớn lao, nàng luôn vững tin, sáng tạo và dũng cảm đưa mình tới sự vĩ đại đỉnh cao. Nhưng điều làm nên vẻ đẹp tự nhiên của nàng chính là sự không thỏa hiệp với bất kỳ điều gì để đạt được ước mơ cho mình. Nàng làm điều ấy bằng sức sáng tạo của mình  và nàng CHƯA DỪNG LẠI. Nàng vẫn sẽ ước mơ, sáng tạo và không thỏa hiệp.

SVI là một cổ phiếu rất thành công nữa trong sự nghiệp phát hiện chứng khoán của mình. SVI vẫn lớn mạnh ngay khi nền kinh tế rất khó khăn, lãi suất cao ngớ ngẩn bởi một điều đơn giản đó là sản phẩm bao bì của hãng luôn cạnh tranh và giữ được lượng khách hàng lớn suốt những năm qua. Trong dài hạn, SVI chắc chắn sẽ còn tăng trưởng bền vững nếu đi đúng hướng mà ban hội đồng đã định ra. SVI thuộc loại cổ phiếu hàng xịn nhưng bị lãng quên và dần đang gây chú ý trên thị trường.


GMC, mã cổ phiếu giống viết tắt của hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tại Mỹ là General motor corpration. Đây là cổ phiếu chứa đựng lịch sử đầu tư cá nhân của tôi. Ngày đầu tiên tôi quyết định sẽ trở thành một nhà đầu tư lớn chính là ngày tôi mua 110 cổ phiếu GMC ở mức giá 17,000đ, cổ phiếu đầu đời của tôi. Hãng sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi các nước Âu, Mỹ và Nhật. Hãng đã từng thất bại trong việc tung ra thị trường thương hiệu thời trang nội địa vì không biết làm thương hiệu và bán hàng. Năm này qua năm khác, các con số kinh doanh luôn tăng trưởng và chỉ số hiệu quả thì luôn được cải thiện. GMC có lợi thế lịch sử lâu đời nên rất có kinh nghiệm sản xuất và quản trị. GMC có chủ tịch HĐQT rất cởi mở, chân thành và luôn hướng tới lợi ích cho cổ đông, điều mà ở Việt Nam còn rất mơ hồ. Không dừng lại ở việc mua các nguyên liệu về may gia công rồi xuất khẩu theo đơn mẫu, GMC đã không ngừng sáng tạo và đổi mới. GMC đi đầu trong việc sản xuất FOB, một hình thức cấp cao hơn của gia công. GMC phát triển sản phẩm nội địa bằng cách bắt tay hợp tác với thương hiệu thời trang The Blue Exchange_đây là một bước đi rất khôn ngoan nhằm tận dụng thương hiệu thời trang bán lẻ đã có tiếng tăm và giảm đi rủi ro phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Cái bắt tay giữa GMC và Blue Exchange đã tiến xa hơn đó là mở văn phòng tại Hong Kong nhằm đưa các sản phẩm của mình tới đây. 


GMC cũng đã tiếp cận thị trường Mỹ hòng chủ động tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm tự mình thiết kế- sản xuất. Điều này đã được ban lãnh đạo thực hiện từ trước đây. Và gần đây, người ta đang bàn luận về Hiệp định thương mại tự do TPP. Nếu được thông qua, thuế xuất khẩu hàng may mặc của hãng sẽ về mức 0% so với trung bình 17% hiện nay. Chẳng có ai lại không muốn hiệp định này được thông qua. Tuy nhiên, để bảo vệ các nhà sản xuất may mặc nội địa và hòng không để bị lợi dụng bởi các nhà cung cấp nguyên liệu củaTrung Quốc , Mỹ đã ra điều kiện rằng sợi phải được xuất sứ từ các nước trong khối TPP. Bản thân tôi tin rằng sớm muộn TPP sẽ được thông qua và các điều kiện sẽ có chút điều chỉnh nào đó. Điều này dẫn tới việc các nhà sản xuất may mặc Việt Nam buộc phải thay đổi, cấu trúc lại để thích ứng với cơ hội lớn phía trước cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình. Về dài hạn, ngành công nghiệp bông sợi có thể sẽ nổi lên hay các nhà sản xuất sẽ nhập khẩu nguyên liệu từ Mexico chẳng hạn. Tôi luôn có niềm tin vào tương lai phía trước rằng, hãng sẽ nhận lấy cơ hội này bằng sự tự tin và nỗ lực tuyệt vời. Tôi tin một ngày nào đó không xa, những chiếc sơ mi mang nhãn hiệu GMC sẽ xuất hiện tại siêu thị Mỹ.


Và một điều, Warren Buffett cũng từng đưa một doanh nghiệp may mặc đang trên bờ vực phá sản trở thành một tập đoàn đầu tư đa ngành có giá trị 300 tỷ USD như hiện nay.


Không còn nghi ngờ gì nữa, những cô gái này của tôi rồi sẽ tỏa sáng trên thị trường đầy rẫy kẻ ngu ngốc. Hơn một năm qua, các NĐT nước ngoài luôn mua ròng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúc cho các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vừng trở thành những công ty tuyệt vời.