Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất theo bình chọn của Forbes

Số ra tháng 9/2013, tạp chí Việt Nam công bố danh sách 50 công ty niếm yết tốt nhất. Tiêu chí đánh giá dựa trên sự tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh trong 3 năm 2010-2012 và triển vọng kinh doanh những năm tới. Ngoài ra, yếu tố đặc thù kinh doanh tại Việt Nam được tính đến mặc dù không biết nó là gì. Có lẽ là chu kỳ kinh doanh, cơ chế thị trường Việt Nam...

Đứng đầu bảng xếp hạng là VNM, cổ phiếu ưa chuộng của hầu hết các nhà đầu tư, loại cổ phiếu mà đâu đâu trong các cuộc nói chuyện về chứng khoán cũng được nhắc tới như một niềm ham thích. Tất nhiên, đây là một hãng kinh doanh sản phẩm sữa tuyệt vời dưới sự điều hành của bà Mai Kiều Liên, người đã bước sang tuổi 60. Hầu hết những ai được tôi hỏi cũng đều có câu trả lời giống nhau là VNM đối với 2 câu hỏi, cổ phiếu nào là tốt nhất đối với bạn hiện nay và nếu được sở hữu thì bạn chọn cổ phiếu nào ? Có quá nhiều phân tích từ nhiều nguồn khác nhau hay thậm chí những đánh giá thực tế đều cho thấy Vinamilk là một thương hiệu lớn, nhưng ở góc độ là một nhà đầu tư cá nhân nhỏ như tôi, VNM chưa bao giờ có trong danh mục. Một lần, cách đây 1 năm hoặc hơn tôi đã từng cân nhắc mua vào khi giá ở mức 85-90k. Nếu tôi đã hành động thì giờ đây tôi đã bỉ túi 55% lãi vốn, một lần chia tách cổ phiếu 50% và 3 lần nhận cổ tức tổng cộng 5,800đ/chứng khoán. Tổng cộng bỏ túi 112% so với số vốn ban đầu, một con số thực sự ấn tượng. Nhưng tôi đã nói không với sự hào hoa của nó vì lý do số vốn nhỏ và thực sự tôi KHÔNG THÍCH.

Đến giờ tôi vẫn không thích nắm giữ VNM. VNM không khác gì một hoa hậu, đẳng cấp và vẻ đẹp luôn được tôn vinh liên tục trong nhiều năm qua. Các nhà đầu tư chính là những người nắm giữ lá phiếu bầu chọn và họ luôn tỏ ra ngưỡng mộ VNM . Trong nhiều năm nữa, VNM vẫn sẽ là hãng thực phẩm tuyệt vời và hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ, tôi hoàn toàn đồng ý rằng cổ phiếu này vẫn có niềm năng tăng giá mạnh trong nhiều năm tới. Nhưng tôi vẫn KHÔNG THÍCH nó vì nó không phải là CỔ PHIẾU SÁNG TẠO.

Bỏ qua sự đúng sai, đơn giản là tôi không thích tư duy đám đông. Theo quan điểm cá nhân, tư duy sáng tạo không thể bắt nguồn từ tập thể trong khi tôi tin rằng, đầu tư cổ phiếu cũng giống như bất kỳ hoạt động nào mà con người từng thực hiện luôn cần đến sự sáng tạo từ khối óc. Nói về điều này, nghe thật bảo thủ nhưng bản thân tôi, vào thời điểm này, thích tìm kiếm những cổ phiếu sáng tạo hơn_những cổ phiếu mà đám đông chưa biết tới hoặc đang không thích nó.

Nói về rủi ro dài hạn khi đầu tư vào VNM, tôi có thể chỉ ra vài điểm sau. Đầu tiên là sự cạnh tranh từ các đối thủ khác, dễ nhận ra nhất là TH milk ở phân khúc sữa tươi. Chính tôi cũng là người ưa chuộc THM hơn VNM mặc dù giá đắt hơn. THM là lính mới trên thị trường sữa nên đây chính là đối thủ tiềm năng rõ nhất và mạnh nhất đối với VNM. Mảng sữa bột bị đe dọa bởi các hãng nước ngoài. Sản phẩm kem đối đầu với Kinh Đô. Sữa đặc và sữa chua VNM tỏ ra ưu thế hoàn toàn. Thứ hai là bà Mai Kiều Liên đã bước sang tuổi 60, cái tuổi mà con người ta không còn nhiều mạnh mẽ và động lực để điều hành một hãng thực phẩm có giá tới 3 tỷ đô nữa. Tôi nghi ngờ rằng, bà ấy liệu có thể cống hiến cho hãng như những gì đã làm trong quá khứ không. Hoặc bà tìm ra ai đó để thế vị trí CEO, thì rủi ro gặp phải cũng chính là năng lực điều hành. Thứ ba, là nhà đầu tư dài hạn, tôi nghĩ cái giá cao gấp 18 lần lợi nhuận là không hấp dẫn, dễ vấp gã trước các cú sốc. Cái giá cao chính là rào cản với tôi. Và một điều nữa, VNM đơn giản là một ngôi sao đã- đang lên- lên rất mạnh mẽ và nhanh.


So với Top 50 của báo Nhịp cầu đầu tư thì có sự khác biệt đôi chút. Báo này đưa ra 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất trong 3 năm quá khứ và không tính đến yếu tố triển vọng tăng trưởng tương lai. Vì thế mà Top của Forbes đáng quan tâm hơn đối với các nhà đầu tư.

Ngày mà tôi đọc được tin Top 50 của Forbes này, trong tôi cảm thấy rất vui và có phần tự hào. Một nửa danh mục của tôi hiện nay đều có tên trong danh sách này. Lần lượt 31, 36, 40 là SVI, TLG và GMC. TLG là chắc chắn nhưng SVI và GMC cũng không khiến tôi bất ngờ. Nếu chọn ra Top 10 đầu tư thì SVI, TLG không nằm ngoài, còn Top 5 thì TLG sẽ có tên. Cả ba cổ phiếu này đều đang được gia dịch ở mức P/E thấp. GMC, SVI, TLG lần lượt được bán ở mức 4, 5.3 và 6.4 so với lợi tức 4 quý gần nhất. TLG vẫn còn khá rẻ, SVI thì rẻ còn GMC thì rất rẻ. Thực tế, tôi vẫn đang mua vào những cổ phiếu này chỉ tiếc rằng số tiền đầu tư rất hạn chế, hạn chế một cách ức chế.

TLG là một cổ phiếu thành công với tôi, là một hãng văn phòng phẩm mà tôi ngưỡng mộ. Xét ở tất các góc độ kinh tế khác nhau, TLG luôn tỏa ra vẻ đẹp của mình nhưng đôi lúc nó lại có vẻ như tiềm ẩn đối với các dân biểu. Na ná giống như một cô gái trẻ đẹp, một thiên thần nhưng xuất thân quê mùa nên không được ưa chuộng bởi các chàng trai hiện đại. Cô gái không biết đến cái thói đời hiện đại như bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng nóng bằng mọi giá. Công việc của nàng mang dấu ấn nhỏ bé, đó là sản xuất bút viết nhưng mấy ai nhận ra nàng đã luôn sáng tạo trong sự phát triển của mình. Nàng được sinh ra bởi một người đàn ông tuyệt vời trong nghèo khó nhưng có ước mơ lớn. Vì thế mà bản thân nàng là cô gái có ước mơ lớn lao, nàng luôn vững tin, sáng tạo và dũng cảm đưa mình tới sự vĩ đại đỉnh cao. Nhưng điều làm nên vẻ đẹp tự nhiên của nàng chính là sự không thỏa hiệp với bất kỳ điều gì để đạt được ước mơ cho mình. Nàng làm điều ấy bằng sức sáng tạo của mình  và nàng CHƯA DỪNG LẠI. Nàng vẫn sẽ ước mơ, sáng tạo và không thỏa hiệp.

SVI là một cổ phiếu rất thành công nữa trong sự nghiệp phát hiện chứng khoán của mình. SVI vẫn lớn mạnh ngay khi nền kinh tế rất khó khăn, lãi suất cao ngớ ngẩn bởi một điều đơn giản đó là sản phẩm bao bì của hãng luôn cạnh tranh và giữ được lượng khách hàng lớn suốt những năm qua. Trong dài hạn, SVI chắc chắn sẽ còn tăng trưởng bền vững nếu đi đúng hướng mà ban hội đồng đã định ra. SVI thuộc loại cổ phiếu hàng xịn nhưng bị lãng quên và dần đang gây chú ý trên thị trường.


GMC, mã cổ phiếu giống viết tắt của hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tại Mỹ là General motor corpration. Đây là cổ phiếu chứa đựng lịch sử đầu tư cá nhân của tôi. Ngày đầu tiên tôi quyết định sẽ trở thành một nhà đầu tư lớn chính là ngày tôi mua 110 cổ phiếu GMC ở mức giá 17,000đ, cổ phiếu đầu đời của tôi. Hãng sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi các nước Âu, Mỹ và Nhật. Hãng đã từng thất bại trong việc tung ra thị trường thương hiệu thời trang nội địa vì không biết làm thương hiệu và bán hàng. Năm này qua năm khác, các con số kinh doanh luôn tăng trưởng và chỉ số hiệu quả thì luôn được cải thiện. GMC có lợi thế lịch sử lâu đời nên rất có kinh nghiệm sản xuất và quản trị. GMC có chủ tịch HĐQT rất cởi mở, chân thành và luôn hướng tới lợi ích cho cổ đông, điều mà ở Việt Nam còn rất mơ hồ. Không dừng lại ở việc mua các nguyên liệu về may gia công rồi xuất khẩu theo đơn mẫu, GMC đã không ngừng sáng tạo và đổi mới. GMC đi đầu trong việc sản xuất FOB, một hình thức cấp cao hơn của gia công. GMC phát triển sản phẩm nội địa bằng cách bắt tay hợp tác với thương hiệu thời trang The Blue Exchange_đây là một bước đi rất khôn ngoan nhằm tận dụng thương hiệu thời trang bán lẻ đã có tiếng tăm và giảm đi rủi ro phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Cái bắt tay giữa GMC và Blue Exchange đã tiến xa hơn đó là mở văn phòng tại Hong Kong nhằm đưa các sản phẩm của mình tới đây. 


GMC cũng đã tiếp cận thị trường Mỹ hòng chủ động tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm tự mình thiết kế- sản xuất. Điều này đã được ban lãnh đạo thực hiện từ trước đây. Và gần đây, người ta đang bàn luận về Hiệp định thương mại tự do TPP. Nếu được thông qua, thuế xuất khẩu hàng may mặc của hãng sẽ về mức 0% so với trung bình 17% hiện nay. Chẳng có ai lại không muốn hiệp định này được thông qua. Tuy nhiên, để bảo vệ các nhà sản xuất may mặc nội địa và hòng không để bị lợi dụng bởi các nhà cung cấp nguyên liệu củaTrung Quốc , Mỹ đã ra điều kiện rằng sợi phải được xuất sứ từ các nước trong khối TPP. Bản thân tôi tin rằng sớm muộn TPP sẽ được thông qua và các điều kiện sẽ có chút điều chỉnh nào đó. Điều này dẫn tới việc các nhà sản xuất may mặc Việt Nam buộc phải thay đổi, cấu trúc lại để thích ứng với cơ hội lớn phía trước cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình. Về dài hạn, ngành công nghiệp bông sợi có thể sẽ nổi lên hay các nhà sản xuất sẽ nhập khẩu nguyên liệu từ Mexico chẳng hạn. Tôi luôn có niềm tin vào tương lai phía trước rằng, hãng sẽ nhận lấy cơ hội này bằng sự tự tin và nỗ lực tuyệt vời. Tôi tin một ngày nào đó không xa, những chiếc sơ mi mang nhãn hiệu GMC sẽ xuất hiện tại siêu thị Mỹ.


Và một điều, Warren Buffett cũng từng đưa một doanh nghiệp may mặc đang trên bờ vực phá sản trở thành một tập đoàn đầu tư đa ngành có giá trị 300 tỷ USD như hiện nay.


Không còn nghi ngờ gì nữa, những cô gái này của tôi rồi sẽ tỏa sáng trên thị trường đầy rẫy kẻ ngu ngốc. Hơn một năm qua, các NĐT nước ngoài luôn mua ròng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúc cho các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vừng trở thành những công ty tuyệt vời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét