Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Suối Nguồn

"Hàng ngàn năm trước đây, có một người tìm ra cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà...Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy cho những anh em của mình cách làm.  Anh ta bị coi là phạm tọi vì đã vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi con người có thể đi tới tận chân trời. Anh ta đã để lại một món quà.."

"Những người đó- những người không chịu phục tùng và luôn đi đầu- đứng ở chương mở đầu của tất cả các truyền thuyết mà loài người ghi lại về thuở sơ khai. Promete đã bị xích vào một tảng đá và bị những con kền kền xé xác- bởi vì anh đã ăn cắp ngọn lửa của những vị chúa trời. Adam bị buộc phải chịu đau khổ- bởi vì anh ta đã ăn quả trái cấm trên cậy thiện- ác. Dù truyền thuyết gì đi nữa, ở sâu trong trí nhớ, loài người biết rằng vinh quang của chúng ta đã bắt đầu từ một cá nhân và cá nhân đó đã phải trả giá cho lòng dũng cảm của mình.

"Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau nhưng đều có một số điểm chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng của họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại, những nhà tư tưởng mới, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế- đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiêng được coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ.Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Những những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.

"Một người sáng tạo không bao giờ bị thôi thúc bởi khát vọng phục vụ đồng loại của anh ta, bởi vì đồng loại luôn chối bỏ những gì anh ta đem tặng họ; đồng thời món quà đó phá hủy cuộc sống của anh ta. Anh ta sáng tạo vì động cơ duy nhất: chân lý. Chân lý của riêng anh, và lao động của riêng anh để đạt tới chân lý theo cách riêng của anh. Mục đích của anh ta nằm ở một bản giao hưởng, một cuốn sách, một cỗ máy, một cái máy bay hay một tòa nhà. Nó không nằm ở người nghe nhạc,  người đọc sách, người vận hành máy, người đi máy bay hay người sống trong ngôi nhà mà anh ta tạo ra.

" Tầm nhìn, sức mạnh,  và lòng dũng cảm của anh ta đến từ linh hồn của chính anh ta. Tuy nhiên, lĩnh hồn của một người chính là cái tôi của anh ta. Cái tôi là thực thể làm công việc nhận thức. Cái tôi có chức năng tư duy, nhận thức, cảm giác, đánh giá và hành động.

"Những người sáng tạo luôn là những người có cái tôi. Cái tôi chính là bí mật về toàn bộ sức mạnh của họ- cái tôi ấy tự đầy đủ trong bản thân nó, tự vận động trong bản thân và tự tái tạo bản thân nó. ANH TA SỐNG VÌ CHÍNH BẢN THÂN  MÌNH. Và chỉ có cách sống vì bản thân mình, anh ta mới có thể đạt được những thành tựu vinh quang của loài người. ĐÓ CHÍNH LÀ BẢN CHẤT CỦA SỰ THÀNH CÔNG...

"Loài người chỉ có thể tồn tại nhờ trí tuệ của mình. Loài người đến trái đất mà không được trang bị vũ khí nào. Bộ óc là thứ vũ khí duy nhất của họ. Nhưng bộ óc lại thuộc về cá nhân. Không có cái gọi là bộ óc tập thể, ý nghĩ tập thể. Một thỏa thuận do một nhóm người đạt được thực ra chỉ là một thỏa hiệp hoặc một giá trị trung bình rút ra từ ý nghĩ cá nhân. Hành động chủ yếu- tức là quá trình tư duy- phải do mỗi cá nhân thực hiện độc lập.

"Loài người không được cho sẵn bất cứ cái gì trên trái đất này. Tất cả những gì anh ta cần- anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây, loài người đối mặt với lựa chọn cơ bản nhất: anh ta chỉ có thể tồn tại theo một trong hai cách- bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của người khác.

" Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.

"Người sáng tạo sống với lao động của chính mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những thứ khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta.

"Nhu cầu cơ bản của người sáng tạo là sự độc lập. Một bộ óc tư duy không thể hoạt động dưới sự cưỡng bức theo bất cứ hình thức nào. Nó đòi hỏi sự độc lập tuyệt đối trong cả chức năng và động cơ. Đối với người sáng tạo, tất cả mối quan hệ với con người là thứ yếu.

"Nhu cầu của kẻ thứ sinh là củng cố mối quan hệ của anh ta với mọi người để được họ nuôi sống. Anh ta đặt mối quan hệ lên trên hết. Anh ta tuyên bố rằng loài người tồn tại là để phục vụ người khác. Anh ta rao giảng về chủ nghĩa vị nhân sinh."

"Vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải sống vì người khác và đặt những người khác lên trên bản thân mình. 

"Không ai có thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn của anh ta, cũng giống như anh ta không thể chia sẻ thể xác của anh ta. Nhưng những kẻ sống thứ sinh đã sử dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một vũ khí để lợi dụng và đảo ngược lại những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người. LOÀI NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC DẠY DỖ RẰNG PHỤ THUỘC LẪN NHAU CHÍNH LÀ MỘT ĐỨC HẠNH.

"Loài người được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng anh ta không thể cho đi cái gì mà anh ta không thể tạo ra. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh- những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công.

"Loài người được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp người khác bớt đau khổ. Nhưng đau khổ là một căn bệnh. Chỉ khi có người bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc gaimr đau khổ thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ-  để người ta có thể trở thành người đức hạnh. Đó chính là bản chất của chủ nghĩa vị nhân sinh. Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của họ lại giúp lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, giúp giảm nhẹ đau khổ.

"Loài người được dạy dỗ rằng đồng tình với người khác là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn bất đồng. Loài người được dạy dỗ rằng đứng tụ tập là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn đứng một mình.

"Loài người được dạy dỗ rằng cái tôi đồng nghĩa với cái xấu xa, và việc không- có- cái- tôi là đức hạnh lý tưởng. Nhưng người sáng tạo là người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối, còn người không có cái tôi là người không có tư duy, không cảm nhận, không đánh giá và không hành động. Bởi vì tư duy, cảm nhận, đánh giá và hành động là chức năng của cái tôi.

"Sự lựa chọn mà chúng ta phải có không phải là giữa hy sinh bản thân  hay hy sinh người khác. Sự lựa chọn phải là giữa độc lập hay lệ thuộc. Giữa nguyên tắc sống của người sáng tạo và người sống lệ thuộc. Đây chính là vấn đề cơ bản, giữa sự sống và cái chết. Nguyên tắc sống của người sáng tạo được xây dựng dựa trên những nhu cầu của một bộ óc biết tư duy và qua đó giúp con người tồn tại được. Nguyên tắc sống của những người sống của những kẻ thứ sinh được xây dựng dựa trên của một bộ óc không có khả năng tồn tại. TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẮT NGUỒN TỪ CÁI TÔI ĐỘC LẬP CỦA CON NGƯỜI ĐỀU LÀNH MẠNH. TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẮT NGUỒN TỰ SỰ LỆ THUỘC CỦA CON NGƯỜI VÀO NGƯỜI KHÁC ĐỀU LÀ XẤU XA.

"Năng lực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên: mức độ độc lập, chủ động, và tình yêu công việc của một người là yếu tố quyết định tài năng của anh ta với tư cách là một người lao động và quyết định giá trị của anh ta với tư cách là một con người. Sự độc lập là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá phẩm chất và giá trị của loài người. Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì; chứ không phải anh ta đã làm được hoặc không làm được gì cho người khác. Không có gì có thể thay thế được phẩm giá cá nhân. Và không có gì khác cho phẩm giá cá nhân ngoài tính độc lập.

"Chưa có công trình nào được hoàn thành nhờ tập thể, nhờ quyết định của đa số. Tất cả những thành tựu trong công việc sáng tạo đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một suy nghĩ cá nhân đơn nhất. Một kiến trúc sư cần rất nhiều người để xây nên một tòa nhà. Nhưng anh ta không yêu cầu họ biểu quyết trong bổn phận hợp lý của mình. Một kiến trúc sư cần sử dụng thép kính, bê tông, do những người khác sản xuất ra. Nhưng nguyên liệu vẫn chỉ là thép, kính và bê tông cho đến khi người kiến trúc sư chạm vào chúng. Những gì anh ta làm với chúng là sản phẩm và tài sản của riêng anh. Đây là hình thức hợp tác hợp lý duy nhất giữa người với người.

"QUYỀN ĐẦU TIÊN CỦA CON NGƯỜI TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY LÀ QUYỀN CÓ CÁI TÔI. BỔN PHẬN ĐẦU TIÊN LÀ BỔN PHẬN VỚI CHÍNH MÌNH. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh ta. Bổn phận đạo đức của anh ta là phải làm những gì anh ta khao khát, miễn là khao khát đó không do người khác quyết định. Bổn phận đạo đức này phải chi phối sự sáng tạo, tư duy và lao động của anh ta.

"Từ lúc bắt đầu của lịch sử loài người, hai đối thủ đã luôn đứng đối nhau: người sáng tạo và người sống thứ sinh. Người sáng tạo- mặc dù bị chối bỏ, thù địch, ngược đãi và bóc lột- vẫn đi tiếp về phía trước và kéo cả loài người đi theo bằng sức của mình.Những kẻ sống thứ sinh không tạo ra cái gì trong quá trình này ngoài việc gây ra những trở ngại. Trận đấu bây giờ được khoác lên cái áo mới: cá nhân chống lại tập thể.

" 'Lợi ích chung' của tập thể đã được chọn làm quyền và lý do để bào chữa cho tất cả chế độ chuyên chế bạo ngược đã từng có trong lịch sử loài người. Cái tập thể đó có thể là một sắc tộc, một giai cấp, một chế độ chính trị hay một quốc gia. Tất cả những cơn ác mộng trong lịch sử đều được thực hiện với động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh.

"Điều đức hạnh duy nhất mà con người có thể làm cho nhau và cái thỏa thuận duy nhất cho mối quan hệ hợp lý giữa người với người là- hãy buông nhau ra !

"Ngày nay, người ta coi tình yêu của một người với tính toàn vẹn trong công việc và quyền bảo vệ nó là những thứ có giá trị mơ hồ và không cần thiết.

"Tôi tới đây để nói rằng tôi không tồn tại vì người khác.

"Tôi tới đây để nói rằng sự chính trực trong công việc sáng tạo của một người quan trọng hơn bất cứ nỗ lực từ thiện nào. Những người không hiểu được điều này là những kẻ đang hủy diệt thế giới.

"Tôi muốn tới đây để tuyên bố những nguyên tắc của tôi. Tôi không tồn tại theo bất cứ nguyên tắc nào khác"

-Trích bài phát biểu trước tòa của Howard Roark-




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét