Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Trích từ Báo cáo thường niên quỹ SBF năm 2013

Về triết lý đầu tư của tôi

     Không ít lần tôi nói về chủ đề này nhưng bàn về nó vẫn luôn là ham thích của cá nhân tôi. Liệu công việc của tôi có phải là chuyên săn lùng hàng giá rẻ ? Không hẳn đúng, giá rẻ không phải là tiêu chí hàng đầu. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, hầu hết những khoản đầu tư thành công đều được mua vào với giá thấp so với tăng trưởng tương lai. Nếu không, đó là công cuộc tìm kiếm những doanh nghiệp tốt nhất ?

Tôi đã và đang phát triển triết lý đầu tư của mình dựa vào những cuốn sách hay nhất có được tại VN và những trải nghiệm thực tế.

Tôi ngày càng nghiên cứu cổ phiếu dựa trên tư duy của Fisher trong cuốn “ Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” hơn. Nó đặt ra một nguyên tắc đó là luôn nhìn vào khả năng tăng trưởng trong bối cảnh tương lai dài hạn. Nó ít đề cao khái niệm “giá thấp” hơn so với Graham. Fisher hiểu rất tường tận về doanh nghiệp, thị trường cạnh tranh, nghiên cứu sản phẩm, mô hình kinh doanh, chu kỳ, nhà quản lý _những thứ cốt yếu tạo nên một doanh nghiệp thành công đỉnh cao. Vì vậy, theo ông, để đạt được nguyên tắc trên, doanh nghiệp ấy phải hội tụ các tiêu chí mà ông đặt ra. Graham thì tập trung nhiều hơn vào bảng cân đối tài chính, tài sản, cơ cấu vốn. Dựa vào đây, ông đưa ra các quyết định mua bán. Có một bí mật ở Graham đó là, giảm thiểu nguy cơ lỗ hơn nữa bằng cách mua vào với giá thấp hơn nữa..

Với cách tiếp cận mẩu “xì gà”, bạn có thể tìm thấy những mẩu xì gà vụn trên sàn, nhặt nó lên, và quẹt lửa, ít ra bạn cũng có thể tận hưởng chút gì đó từ những thứ miến phí như thế. Đây là một điều chắc chắn đúng, nhưng tôi nghi ngờ rằng làm thế khó mà có thể đạt được những đầu tư vĩ đại. Và tôi tin rằng, tốt hơn là mua những doanh nghiệp hoạt động tuyệt vời với giá hợp lý hơn là mua những doanh nghiệp bình thường với giá thấp.

Warren Buffett là phiên bản không thể tốt hơn về sự kết hợp giữa Fisher và Graham. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Vĩ đại trong sự nghiệp của Buffett còn bởi ông có một tư duy đầu tư lỗi lạc. Làm thế nào để có một tư duy như thế ? Tôi có thể mạo muội nói ra, nhưng tốt hơn là để 10 năm sau, những thứ ấy sẽ được sáng tỏ. Tuy nhiên, có một bí mật rất đơn giản của sự thành công đó là “sự khổ luyện”.

Công việc của tôi vẫn giữ nguyên, vốn là một niềm đam mê, tìm kiếm những doanh nghiệp hàng đầu trong những lĩnh vực mà tôi có thể nắm rõ được. Thực ra, danh mục chứng khoán hiện nay của tôi giống như một bản nhạc ngẫu hứng. Hoàn toàn không có toan tính cơ cấu như nhiều người khác hiện nay đang ồ ạt áp dụng. Thật vậy, TLG – PNJ là hai thương hiệu. Tôi mua hai thương hiệu này với tham vọng, cũng như chính họ, tăng trưởng hơn nữa nhờ vào thương hiệu. Mẫu số chung giữa họ là một lịch sử tuyệt vời, nhà lãnh đạo tuyệt vời, mô hình kinh doanh cực kỳ hiệu quả, tầm nhìn dài hạn, các sản phẩm của họ được biết đến rộng rãi, hệ thống bán lẻ - phân phối rộng khắp. TLG với những sản phẩm thiết yếu trong khi PNJ với những mặt hàng nữ trang cap cấp.

Các bạn có biết bí mật nằm trong “thương hiệu” là gì không ? Thương hiệu chính là lợi thế cạnh tranh tốt nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng ao ước có được. Khi ấy, thương hiệu được dễ dàng thêm vào một phần trong giá bán. Khi đã chinh phục được thị trường, họ có cơ hội lớn hơn các đối thủ về việc xâm nhập vào thị trường sản phẩm mới nhờ vào cặp đôi: thương hiệu – sáng tạo. Để dễ hình dung, tôi lấy hai ví dụ điển hình:

Có lẽ các bạn đều biết đến chiếc bật lửa BIC. BIC thực ra khởi đầu là nhà máy chuyên sản xuất bút viết, được sáng lập bởi Marcel Bich và Edouard vào 1945 tại Clichy- Pháp. Khi đã có thương hiệu mạnh và hệ thống phân phối rộng khắp, họ dễ dàng tung ra các sản phẩm cạnh tranh. Và cho tới nay, BIC có 3 nhóm sản phẩm chính là: các sản phầm bật lửa, văn phòng phẩm và dao cạo. Thế đấy !

Tôi dễ dàng kể ra đây trường hợp Adidas, thương hiệu trang phục thời trang cao cấp của Đức. Nhưng ngày nay, Adidas còn có nhiều sản phẩm khác mang thương hiệu Adidas như  nước hoa, đồng hồ.

ThienlongPNJ hoàn toàn có thể bước đến sự vĩ đại hơn nữa nhờ vào thương hiệu.
CLW là công ty cung cấp nước sạch có trụ sở tại quận 6 được nắm giữ phần lớn bởi Tổng công ty cấp nước Sài Gòn. Ở một quốc gia đang phát triển như VN, tôi tin chắc hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu trong quá trình tất yếu: thị trường hóa tất cả các mặt hàng. Lịch sử các nước Cộng Sản chuyển sang chế độ Tư sản, hay ít nhất là một nền kinh tế thị trường chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung đã sản sinh ra rất nhiều triệu phú cơ hội. Điều ấy đến từ việc phân phối tài sản công không công bằng, tạo cơ hội cho những kẻ lợi ích và một số ít người thông minh. Sớm muộn gì, những công ty như CLW cũng sẽ có ngày vốn nhà nước không còn nhiều nữa. Đây là khoản đầu tư cơ hội tương lai của tôi.

APC hoạt động trong lĩnh vực rất đặc biệt đó là chiếu xạ. Thật không dễ dàng gì để ra nhập vào ngành này. Đây chính là lợi thế cạnh tranh. Đã có lúc, APC rất loạng choạng, thậm chí bị đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn về sự tồn tại. Giá cổ phiếu vì thế mà lao dốc, nhà đầu tư bán ra ồ ạt nhưng tôi thì lại mua vào. Các nhà đầu tư này hoặc không kiên nhẫn, hoặc không có cái nhìn sắc bén về tương lai. Trong số họ ít ai biết được APC có một bất động sản rất giá trị tại Bình Dương_chính là trụ sở của họ.

Nói về APC, tôi có một kỷ niệm nho nhỏ. Tôi có từng theo học một khóa học về phân tích chứng khoán nhờ một người bạn giới thiệu vào cuối 2013. Một lần được hỏi về phản ứng trước các thay đổi lớn của thị trường, cụ thể là khi thị trường lao dốc, tôi đã lấy ví dụ về APC. Tôi trả lời rằng, bất chấp thị trường lao dốc, kết quả kinh doanh thì bết bát khiến cho giá cổ phiếu giảm sâu nhưng tôi vẫn mua vào mạnh mẽ. Thế là tôi liền nhận được câu trả lời “ APC là cổ phiếu không tốt”. Câu trả lời ấy mặc dù không phải là nguyên nhân tôi từ bỏ lớp học nhưng phần nào cho thấy khoảng cách triết lý đầu tư giữa tôi và người dậy thực sự xa vời. Mới đây, APC thông báo họ hoàn thành lợi nhuận vượt kế hoạch 2013, các khoản nợ dần biến mất và kế hoạch cho 2014 cũng rất lạc quan. APC tăng giá 27.1% trong năm qua.

Tất cả các cổ phiếu trong danh mục đều được mua vào với P/E thấp. Những lúc ấy, các chứng khoán này đều không nhận được tình cảm của số đông các nhà giao dịch. Tôi mua TLG lúc P/E chỉ chừng 4-5 mà thôi, tức sang nhượng toàn bộ công ty này cộng thêm thương hiệu TLG chỉ quanh mức 600 tỷ đồng. Thật không thể tin được phải không ? Cách đây 2 năm, tôi mua GMC cũng chỉ ở mức P/E = 3-4, sau đó được duy trì suốt trong 2 năm qua trong khi cổ tức, lợi nhuận luôn tăng lên hàng năm, các chỉ số thì được cải thiện rất tốt. Giờ đây, người ta mua vào và đẩy giá lên mức P/E 5.5 chỉ vì kỳ vọng TPP. SVI cũng vậy, họ cho rằng vì nó được nắm giữ quá nhiều bởi vốn nhà nước. Thế nhưng, khối nước ngoài đã mua ròng 5.83% trong năm qua.

Các bạn hỏi về những sai lầm mắc phải của tôi trong năm qua ?

Đây là một chủ đề ưa thích của tôi. Không liệt kê các sai lầm ngay từ đầu là một trong những sai lầm lớn nhất. Tuy nhiên, tôi luôn nhớ được những lỗi của mình và nỗ lực cải thiện chúng. Thế nên, tôi có thể kể ra các trải nghiệm của mình ở đây.

Tôi đã từng mua vào NNC (một doanh nghiệp chuyên khai thác đá xây dựng tại Bình Dương) và DSN (công viên nước Đầm Sen) khi chúng được giao dịch ở mức giá thấp, đều là những doanh nghiệp tốt, đặc biệt là DSN. Hai công ty này luôn trả cổ tức rất cao so với mặt bằng chung. DSN thậm chí được tôi đánh giá rất cao về triển vọng dài hạn, họ có tài sản thực tế lớn hơn nhiều so với sổ sách do đã khấu hao gần hết. Nhưng rồi tôi đã bán ra vì nghĩ rằng, có lẽ mình không thực sự hiểu biết về chúng, mình không thực sự muốn nắm giữ NNC. Chỉ thế thôi. Bất chấp tôi rất chắc chắn là chúng đang giao dịch ở mức giá rẻ. Và điều ấy đã diễn ra: DSN, NNC tăng lần lượt 50%, 60% trong năm qua. Tôi khá nuối tiếc đối với 2 trường hợp này. Đôi khi ta nên thực hiện một số phi vụ đầu tư với xác suất thành công cao như thế ?


Ngưỡm mộ TLG, định giá rẻ. Vậy tại sao tôi lại mua vào TLG một cách chậm chạp? Tham gia TLG là một thành công nhưng quá trình mua của tôi chưa tốt. Tôi đã có thể đem lại cho các bạn mức lợi suất cao hơn nữa nếu tôi không mắc phải sai lầm này. Có lẽ do tôi chưa thực sự tự tin vào TLG. Hoặc tôi na ná giống như một tiền đạo vô duyên. Thiếu sự lạnh lùng trong khâu dứt điểm, thiếu tinh tế trong xử lý bóng khiến cho cú sút trượt xà ngang trong tình thế một đối một với thủ môn. Tôi đã thiếu đi sự lạnh lùng và quyết đoán trong giao dịch đặt mua. Chắc chắn, để có được trạng thái này chỉ có kinh nghiệm mới có thể giúp được mà thôi. Và tôi sẽ nhất định cải thiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét